Tăng cường biện pháp quản lý, bình ổn thị trường giá trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022
Thực hiện Công văn số 5381/UBND-TH, ngày 03/12/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh v/v triển khai thực hiện Chỉ thị số 02/CT-BTC ngày 25/11/2021 của Bộ Tài chính về tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022. Theo đó, Sở Tài chính đã phối hợp với Sở Công Thương thống nhất trong việc triển khai thực hiện các biện pháp quản lý, bình ổn thị trường giá cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 trên địa bàn tỉnh.
Nhằm bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, theo dõi sát diễn biến giá cả hàng hoá, nhất là giá các mặt hàng tiêu dùng và dịch vụ thiết yếu; không để tăng giá tuỳ tiện trước, trong và sau Tết làm ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng của nhân dân; Yêu cầu cần thực hiện tốt các giải pháp chủ yếu triển khai thực hiện bình ổn giá cả thị trường, phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022; thực hiện văn minh trong thương mại, cũng góp phần bình ổn giá cả thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, đầu cơ, găm hàng gây tăng đột biến về giá hàng hóa, dịch vụ, ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà nước, của người tiêu dùng cũng như quyền lợi của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh và ứng phó với các diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Sở Tài chính đề nghị các Sở, Ngành, đơn vị chức năng có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn tỉnh phải nghiêm chỉnh chấp hành những quy định của nhà nước về quản lý giá; T
ổ chức thực hiện tốt một số biện pháp chủ yếu sau:
1. Về chấp hành giá:
Tất cả các tổ chức, cá nhân kinh doanh không vi phạm các hành vi bị cấm trong lĩnh vực giá, bao gồm:
- Bịa đặt, loan tin, đưa tin không đúng sự thật về tình hình thị trường, giá hàng hóa, dịch vụ.
- Gian lận về giá bằng cách cố ý thay đổi các nội dung đã cam kết mà không thông báo trước với khách hàng về thời gian, địa điểm, điều kiện mua, bán, chất lượng hàng hóa, dịch vụ tại thời điểm giao hàng, cung ứng dịch vụ.
- Lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường khác; lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý.
- Các hành vi chuyển giá, thông đồng về giá dưới mọi hình thức để trục lợi…
2. Về đăng ký giá, kê khai giá:
Các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký giá, kê khai giá trên địa bàn tỉnh phải thực hiện nghiêm theo quy định tại Quyết định số 09/2017/QĐ-UBND ngày 22/6/2017 của UBND tỉnh Bạc Liêu về việc ban hành Quy định quản lý nhà nước về giá trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.
3. Về niêm yết giá:
- Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực hiện niêm yết giá và mua bán theo giá niêm yết nhằm thực hiện tốt việc công khai, minh bạch và văn minh thương mại. Do vậy, các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn tỉnh (kể cả cá nhân, tổ chức nước ngoài tham gia sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu) đều phải thực hiện việc niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại cơ sở, cửa hàng, nơi giao dịch mua, bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ. Việc niêm yết giá phải rõ ràng, không gây nhầm lẫn cho khách hàng. Đồng tiền niêm yết giá là Đồng Việt Nam trừ trường hợp pháp luật có quy định riêng. Giá niêm yết là giá hàng hóa, dịch vụ đã bao gồm các loại thuế, phí và lệ phí (nếu có) của hàng hóa, dịch vụ đó.
- Đối với hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá thì tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phải niêm yết đúng giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giá và mua bán đúng giá đã niêm yết.
- Đối với hàng hóa, dịch vụ không thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá thì niêm yết theo giá do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh quyết định và không được bán cao hơn giá niêm yết.
4. Tổ chức thực hiện:
4.1 Đề nghị các Sở, Ngành, đơn vị chức năng có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tùy theo chức năng, nhiệm vụ được giao phải theo dõi sát diễn biến cung cầu và giá cả thị trường; đặc biệt là đối với hàng hóa, dịch vụ đáp ứng trực tiếp nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán năm 2022 gắn với công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn; để kịp thời có biện pháp bình ổn giá thị trường theo quy định của pháp luật; tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý giá, thuế, phí, lệ phí cũng như chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn, đặc biệt đối với những hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu và mặt hàng phục vụ công tác phòng, chống dịch trong các dịp lễ, Tết.
4.2 Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm chấp hành tốt các quy định của pháp luật về quản lý giá. Các hành vi vi phạm pháp luật về giá phải bị xử lý theo quy định của pháp luật.
4.3 Đề nghị Phòng Tài chính - kế hoạch các huyện, thị xã và thành phố thực hiện báo cáo giá thị trường gửi về Sở Tài chính theo quy định tại Khoản 2, Điều 4 Thông tư số 116/2018/TT-BTC, ngày 28/11/2018 của Bộ Tài chính.