Ngày 20/5/2021, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2021 - 2025.

Ảnh minh họa (nguồn Internet)
Theo đó mục tiêu đặt ra là tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, phát triển bền vững, sản xuất hàng hoá lớn, năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng cao và nâng cao khả năng cạnh tranh; bảo vệ môi trường, sinh thái; nâng cao thu nhập cho người nông dân, đảm bảo an ninh lương thực và an ninh quốc phòng. Đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thích ứng với biến đổi khí hậu; trọng tâm là tôm ứng dụng công nghệ cao, quản trị hiện đại, liên kết chuỗi giá trị; lúa gạo chất lượng cao gắn với phát triển thêm nhiều cánh đồng lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị nông sản phù hợp với lợi thế của từng vùng; phát triển kinh tế biển, gắn với đảm bảo quốc phòng an ninh, phát huy vai trò là trụ cột của nền kinh tế, góp phần thực hiện đạt và vượt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2021 - 2025.
Mục tiêu đến năm 2025: (1) Duy trì tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh thông qua tăng năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng. Hoàn thành dự án xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu. (2) Sản lượng thủy sản đạt 600.000 tấn; sản lượng lúa đạt 1.175.000 tấn; sản lượng muối đạt 55.000 tấn; tỷ lệ che phủ rừng, cây phân tán và cây lâu năm đạt 11,36% diện tích tự nhiên. (3) Tỷ trọng lao động làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 44% tổng số lao động toàn tỉnh. (4) Có 42 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; các huyện Vĩnh Lợi, Hoà Bình, Hồng Dân, Đông Hải đạt chuẩn nông thôn mới và thị xã Giá Rai hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; huyện Phước Long, thành phố Bạc Liêu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu/huyện nông thôn mới kiểu mẫu. Tỉnh Bạc Liêu được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. (5) Phát triển mới thêm 103 sản phẩm, dịch vụ; phấn đấu có sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) được công nhận, chứng nhận đạt tiêu chuẩn 05 sao; xây dựng thêm 05 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh.
Các giải pháp thực hiện, gồm: (1) Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục; (2) Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách (đất đai, tài chính, tín dụng), huy động nguồn lực; (3) Nâng cao trình độ nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng KHCN; (4) Đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất; (5) Phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và hạ tầng thương mại; (6) Phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản; phát triển công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ logistic; (7) Nâng cao công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm; (8) Đào tạo nguồn nhân lực; (9) Tăng cường năng lực hội nhập quốc tế, phát triển thị trường; (10) Bảo vệ tài nguyên, môi trường nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai.
Để thực hiện, UBND tỉnh giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nông nghiệp giai đoạn 2021-2025; nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực xã hội để thực hiện Kế hoạch; tổng hợp, đánh giá tình hình thực hiện hàng năm, báo cáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định; đề xuất sửa đổi, bổ sung Kế hoạch khi cần thiết.